Nhằm tưởng nhớ công lao và sự nghiệp vĩ đại của Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông – Vị Hoàng đế anh minh, anh hùng dân tộc, nhà văn hóa tư tưởng lớn – nhà tu hành chân chính, mẫu mực, người sáng lập Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử. Sáng nay, ngày 12 tháng 12 năm 2023 (nhằm ngày 30 tháng 10 năm Quý Mão); tại Trụ sở Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Vĩnh Phúc, chùa Bầu (Phật Quang tự), phường Liên Bảo, tp Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Chư Tôn đức Tăng Ni trong tỉnh đã trang nghiêm tổ chức Đại lễ tưởng niệm 715 năm Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết-bàn
Chứng minh, tham dự có sự hiện diện của TT. Thích Thanh Lâm- Uỷ viên HĐTS, Phó Ban Thông tin Truyền thông TƯ GHPGVN, Phó ban thường trực BTS GHPGVN tỉnh Vĩnh Phúc; ĐĐ. Thích Tâm Vượng- Phó ban BTS GHPGVN tỉnh Vĩnh Phúc, Trưởng ban BTS GHPGVN thành phố Vĩnh Yên; Ni sư Thích Đàm Khang- Phó BTS, Trưởng phân ban Ban Đặc trách Ni giới GHPGVN tỉnh Vĩnh Phúc cùng chư Tôn đức thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh và Tăng ni trong toàn tỉnh Vĩnh Phúc
Về phía lãnh đạo chính quyền có: bà Trần Thị Huệ – Chuyên viên Ban Dân vận tỉnh uỷ; ông Nguyễn Anh Phương – Trưởng Phòng nghiệp vụ Ban Tôn giáo Sở Nội vụ; ông Vũ Minh Sơn – Trưởng Phòng An ninh Nội địa, Công an tỉnh; ông Phan Công Anh – Phó trưởng Công an Thành phố Vĩnh Yên; bà Nguyễn Thị Thu Hà – Phó chủ tịch UBND phường Liên Bảo.
Thay mặt Ban tổ chức, ĐĐ. Thích Tâm Vượng- Phó ban BTS GHPGVN tỉnh Vĩnh Phúc, Trưởng ban BTS GHPGVN thành phố Vĩnh Yên đã cung tuyên đôi nét tiểu sử Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông.
Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, Đức vua-Phật hoàng Trần Nhân Tông là vị hoàng đế anh minh, lãnh tụ thiên tài, anh hùng dân tộc. Ngài là nhà văn hóa lớn, nhà tư tưởng lớn, đồng thời là nhà tu hành giác ngộ đã để lại hệ thống tư tưởng đặc sắc về Phật giáo, người sáng lập nền Phật giáo Trúc Lâm và dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử, được các thế hệ nhân dân tôn xưng là Vua Phật Việt Nam.
Đức vua Trần Nhân Tông, tên húy là Trần Khâm, sinh năm Mậu Ngọ – 1258, vào ngày 11 tháng 11 âm lịch. Ngài là con trưởng của Đức Vua Trần Thánh Tông và Hoàng Thái hậu Nguyên Thánh Thiên Cảm.
Năm Mậu Dần – 1278, khi vừa tròn 20 tuổi, Hoàng Thái tử Khâm được Vua Trần Thánh Tông truyền ngôi. Kế tục sự nghiệp của các Tiên đế nhà Trần, Đức vua đã thi hành nhiều chính sách khoan hòa, thân dân, lấy đức mà trị vì Đại Việt, chăm lo cho dân chúng, xây dựng quốc gia hòa bình, thịnh trị.
Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông là vị vua anh hùng của một triều đại, người đã lãnh đạo quân dân nhà Trần 2 lần chiến thắng giặc Nguyên Mông xâm lược vào năm 1285 và năm 1288, bảo vệ non sông bờ cõi Đại Việt.
Năm 1293, Ngài nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông, lên làm Thái Thượng Hoàng. Sau khi nhường ngôi, Ngài xin xuất gia cầu đạo với Quốc sư Huệ Tuệ, chuyên tâm theo đuổi sự nghiệp tu hành và đã hợp nhất các dòng thiền, sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, dòng thiền thuần Việt, có tư tưởng nhập thế, gắn đạo với đời, xây dựng Yên Tử trở thành Kinh đô Phật giáo của Quốc gia Đại Việt.
Trong cuộc đời tu luyện và nhập diệt của Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông, Yên Tử là nơi Phật hoàng tu hành, giảng pháp, độ tăng và Ngọa Vân là nơi kết thúc trọn vẹn quá trình tu luyện và thành Phật của Ngài vào ngày 1/11 Âm lịch năm 1308, Sơ Tổ Điều Ngự Trần Nhân Tông nhập diệt tại đỉnh Ngọa Vân, am Tử Tiêu, núi Yên Tử, thọ thế 51 năm.
Xá lị của Ngài sau này được phát về nhiều nơi, trong đó có am Ngọa Vân, chùa Quỳnh Lâm (thị xã Đông Triều) và tại tháp Huệ Quang (Yên Tử, TP Uông Bí).
Tiếp đó, TT. Thích Thanh Lâm- Uỷ viên HĐTS, Phó Ban Thông tin Truyền thông TƯ GHPGVN, Phó ban thường trực BTS GHPGVN tỉnh Vĩnh Phúc đọc văn tưởng niệm Đức Sơ Tổ Điều Ngự Trần Nhân Tông, với tấm lòng thành: “Dù thời gian có đi qua hơn 700 năm, không gian có biến dịch, song công đức, đạo nghiệp của Phật Hoàng Trần Nhân Tông vẫn còn sống mãi trong trang sử vàng son của dân tộc, của Phật giáo Việt Nam; trong sự nghiệp Hộ quốc an dân, đoàn kết hòa hợp toàn dân, phát huy Đạo Pháp trong thời đại ngày nay và mãi mãi về sau.
Nhất là đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam, là Giáo hội thống nhất Phật giáo cả nước, theo truyền thống tốt đời – đẹp đạo hai ngàn năm lịch sử truyền thừa, nguyện tiếp tục sự nghiệp quang huy của Tổ, của hồn thiêng sông núi Đại Việt và tinh thần đoàn kết hòa hợp đa Tôn giáo, xây dựng một tịnh độ tại nhân gian bằng tinh thần Phật giáo Việt Nam, con người Việt Nam và dân tộc Việt Nam”.
Cũng tại buổi lễ, các nghi lễ dâng hương tưởng niệm, cầu nguyện quốc thái dân an… được tổ chức trong không khí trang nghiêm, thành kính, khép lại buổi lễ thành tựu viên mãn.
Dưới đây là một số hình ảnh được ghi nhận:

